Thursday, July 20, 2017

Nho giáo đại cương, phần 2

Nguyễn Ước

Phần 1Phần 2Phần 3

IV. Phê phán Khổng Tử

Mặc Tử (k. 468-376 tr.C.N.)

Người đầu tiên phê phán tư tưởng Khổng Tử một cách triệt để, với một hệ thống triết học đầy đủ và những hoạt động tích cực là Mặc Tử, một nhà tư tưởng kỳ quái, khắc khổ và quyết liệt nhất Trung Hoa.


Ông tên là Mặc Địch, chào đời sau khi Khổng Tử qua đời 11 năm, người nước Tống, có thuyết cho là người nước Lỗ. Từng làm thợ đóng xe, sau được thăng lên giới “sĩ”, Mặc Tử có lúc làm quan Đại phu. Thuở còn trẻ ông từng theo học Nho gia, sau đó bỏ Nho rồi đề xướng Mặc học, đối đầu gay gắt với Nho học. Các đệ tử của Mặc Tử phần lớn xuất thân từ hạ tầng xã hội, toàn những người khắc khổ và gan dạ, cùng theo ông sinh hoạt thành đoàn thể hơn một trăm người. Họ chủ trương sống tự túc bằng lao động và cho rằng “không lao động mà hưởng thụ là bất nhân phi nghĩa”. Về sau, các đệ tử ghi lại lời của thầy làm thành bộ Mặc Tử gồm 71 thiên.


Mặc Tử phê phán kịch liệt những nội hàm đạo đức và xã hội trong tư tưởng của Khổng Tử, dựa trên cơ sở rằng Khổng Tử khích lệ mối quan tâm cá biệt cho gia đình, thân tộc của mỗi người, gây nhiều thương tổn cho cảm giác phổ quát của loài người về thiện chí. Mặc Tử tuyên bố rằng lòng trung thànhưu tiên cho gia tộc - thân thân: thân yêu người thân - là cội rễ của cái ác. Ông tìm cách thay thế nó bằng quan điểm xã hội hòa hợp dựa trên “kiêm ái: yêu hết thảy mọi người”, một học thuyết làm nảy sinh cảm giác thiết thực về phúc lợi của toàn thể xã hội.


Trong khi Khổng Tử kỳ vọng người dân sống thuận theo tôn ti trật tự của xã hội, Mặc Tử muốn họ tránh hết những thứ đó vì chúng gây bất lợi cho người khác. Mặc Tử đề ra một hình thức nhân ái khác với Khổng Tử. Khổng Tử dạy rằng “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân: Điều gì mình không muốn ai làm cho mình thì mình đừng làm cho ai”, còn Mặc Tử dạy rằng “Ái nhân nhược ái kỳ thân: yêu người như yêu thân mình”, và “Vi bỉ do vi kỷ dã: Vì người khác cũng như vì mình”. Ông cổ vũ con người nên hành động để tạo phúc lợi cho xã hội như một toàn bộ và rằng điều đó có hàm ý mọi người nên giúp đỡ nhau trong tinh thần vô phân biệt.


Về chính trị, Mặc Tử tin rằng ta chỉ nên đề cử vào vai trò cai trị những kẻ biết và hiểu rõ người dân thường. Về mặt thực tiễn, Mặc Tử chủ trương lối sống tiết kiệm, cực kỳ thanh đạm, gần như khắc khổ; ông đặc biệt phê phán việc hoang phí tài nguyên cho các nghi lễ ma chay tống táng. Đáp lại chủ trương ấy, Nho gia tuyên bố rằng nếu không có quốc chủ và không có phụ mẫu tức là loài người trở lại như chim muông thuở hồng hoang, và rằng ta phải yêu thương kẻ ở sát bên ta trước khi có thể phát triển tình yêu thương đó tới những kẻ ở quá xa ta.


Mặc Tử còn phê phán Khổng Tử về việc không tin vào quỉ thần, tiêu phí tiền bạc vào cúng tế và ủng hộtôn ti trật tự. Ông muốn đặt sang một bên cái gọi là tôn trọng cổ truyền và thế giá để bắt đầu nhìn vào xã hội trên căn bản lý trí. Về tri thức luận, Mặc Tử là người duy nghiệm chủ nghĩa. Dường như ông cũng có ý tưởng nào đó về một đấng tối cao có cứu cánh tính và ý chí, được biểu lộ trong tri giác về trật tự xã hội. Ông lập luận rằng vì mọi người đều bình đẳng trong con mắt của trời, do đó chúng ta nên yêu thương nhau một cách bình đẳng. Lập luận đó về sau bị Mạnh Tử cho là xúc phạm tới toàn bộ cảm xúcnhân tính.


Mặc Tử cũng lập luận rằng người dân hiểu rõ cái gì có lợi cho họ và cái gì có hại cho họ. Vì thế, điều chân chính phải làm chính là điều đáp ứng được cái thiện chung. Do đó, ông cho rằng trong xã hội, sự thăng tiến của người dân nên đặt cơ sở trên công trạng của họ chứ không nên tùy thuộc vào dòng dõicủa họ. Và nên lấy các thiện ích chung cùng sự đồng thuận của xã hội về chúng làm nguyên tắc cai trị đất nước.

So với triết Tây

Lối tiếp cận của Mặc Tử vào đạo đức học có chỗ tương đồng với tình yêu tự hiến mang bản sắc Kitô giáo, ở điểm cống hiến cho mọi người một cách bình đẳng, trên căn bản rằng ta nên yêu thương người khác như yêu thương mình vậy.


Cũng thế, hẳn chúng ta có thể gọi lý thuyết đạo đức học của Mặc Tử bằng một thuật ngữ Tây phương là chủ nghĩa thiết thực, hoặc thực lợi (utilitarianism), được trình bày trong công trình của Jeremy Bentham và John Stuart Mill, với nguyên tắc rằng cái thiện lớn lao nhất mà ta nên tìm kiếm chính là cái đem lại phúc lợi cho nhiều người nhất.


Trên bình diện triết học chính trị, Mặc Tử đã đưa vào một số nguyên tắc quan trọng nhằm tạo thế cân bằng giữa hai cực đoan gây ra bởi Nho giáo truyền thống chủ nghĩa và Đạo giáo cá nhân chủ nghĩa. Ở đây, Mặc Tử thiết lập cơ sở cho thể chế dân chủ, kinh tế thị trường tự do và chủ nghĩa thiết thực. Đặc điểm cốt tủy trong tư duy của Mặc Tử là niềm xác tín rằng người dân thật sự hiểu rõ cái gì tối ưu cho họ, và ta không cần phải nhờ vào truyền thống mới có thể phát hiện những gì được dân chúng chấp nhậncông khai.

Phép tam biểu

Trong khi lập thành các quan điểm chính trị và đạo đức quan trọng ấy, Mặc Tử vẫn có cái nhìn rõ ràngvề tri thức luận. Để đánh giá chân lý của một lời phát biểu, Mặc Tử đưa ra phép “tam biểu”:

1. Gốc: Phải xem nó có hợp với công việc của các thánh vương đời xưa không;

2. Nguyên: Phải xem nó có hợp với thực tế đời sống của phần lớn dân chúng không;

3. Dụng: Phải áp dụng nó vào hành chính xem có hợp với quyền lợi của dân chúng không.


Đối với người theo Mặc gia, cái thiện cao nhất là hiến thân cho mọi người. Họ biện hộ cho lối sốngkham khổ và hoàn toàn chống đối chiến tranh cùng mọi hình thức gây hấn. Tuy sẵn sàng liều chết bảo vệ thành trì, chống lại kẻ xâm lăng, nhưng họ kiên quyết không chấp nhận bất cứ hành động xâm lấnnào.


Dĩ nhiên, Khổng Tử - và Mạnh Tử, về sau - hẳn đánh giá lối tiếp cận của Mặc Tử là ngây thơ, không thích hợp với kinh nghiệm phổ quát rằng mọi người thường ưu tiên cho bạn bè, gia đình và những kẻ cùng khuynh hướng và địa vị xã hội với mình; nói cách khác, loài người không tự nhiên có tính thiết thực chủ nghĩa.

So với triết Tây

Ngang đây, ta có cảm tưởng hình như David Hume đang sử dụng lối tiếp cận của Mặc Tử. Thật thế, so với triết gia duy nghiệm người Anh ấy, họ Mặc Trung Hoa đang tới gần sự khảo sát chứng cớ bằng một cung cách tương tự.


Thí dụ, trong trường hợp có lời tuyên bố về việc vừa xảy ra một phép lạ, Hume muốn thẩm định hết thảy các chứng cớ xem chúng có phù hợp với phần còn lại của kinh nghiệm hay không, và xem mức độ đáng tin của người đưa ra lời tuyên bố cá biệt ấy - đề phòng trường hợp có khả năng người ấy đã lầm lẫn về biến cố xảy ra. (Xem Đại cương triết học Tây phương).

Trình bày cách khác

Tuy thế, nói chung, lối tiếp cận của Mặc Tử vẫn phản ánh triết học Đông phương với khuynh hướng hòa trộn tri thức luận với siêu hình học và đạo đức học. Như đã nói trên, ông là người duy nghiệm chủ nghĩa. Ta có thể trình bày theo lối khác về ba điều mà ông khuyến cáo ta nên làm để xác định một niềm tin, như sau:

1. Kiểm tra nguồn gốc của niềm tin ấy;

2. Khảo sát tình huống áp dụng niềm tin ấy; và

3. Xét nghiệm rốt ráo để xem niềm tin ấy có thực tiễn hay không.

Về vấn đề thiên mệnh

Khổng Tử chấp nhận ý tưởng về số phận, hoặc “mệnh”, mà ngài gọi là thiên mệnh. Ngài tin rằng ta nên thừa nhận cái không thể biến đổi, nhằm mục đích làm cho ta có khả năng hướng năng lực một cách hiệu quả hơn vào cái có thể biến đổi. Trong ý nghĩa ấy, mệnh là kẻ hướng dẫn hành động.


Thế nhưng, dù vẫn chủ trương Nhân trị như Khổng Tử, Mặc Tử chống đối ý tưởng “thiên mệnh” đó. Ông cho rằng bất cứ niềm tin nào vào mệnh cũng khuyến khích người dân lười biếng vì họ cảm thấy bỏ công sức để cải thiện cái không thể tránh chỉ là nỗ lực vô ích. Cũng thế, Mặc Tử lập luận rằng nên dùng thưởng phạt để khích lệ đạo đức và cần làm cho người dân nhận thức rằng họ có nghĩa vụ và có khả năng cư xử đạo đức. Thêm nữa, trời và quỉ thần luôn luôn hiểu rõ, kiểm soát và thưởng phạt người theo hoặc không theo thuyết kiêm ái. Lối tiếp cận ấy của Mặc Tử tương phản với lối của Khổng Tử và về sau của Mạnh Tử, vốn cho rằng đạo đức tự thân nó đã là phần thưởng của chính nó.

Dương Tử (k. 395-335 tr.C.N.)

Họ Dương đứng đầu “Vị ngã: vì chính ta”, một học thuyết — cùng với Mặc gia — có ảnh hưởng rất lớn thời Chiến quốc tới độ Mạnh Tử đã nhận xét rằng “Lời lẽ trong thiên hạ không là Dương thì là Mặc”. Và chính Mạnh Tử tự cho mình có nhiệm vụ “chống lại Dương Chu” bằng lời khẳng định: “Đạo của Dương Chu và Mặc Địch không tắt thì đạo của Khổng Tử không sáng lên được”.


Dương Tử tên thật là Dương Chu, còn được gọi là Dương sinh hay Dương Tử Cư, chào đời sau Mặc Tử khoảng 70 năm. Ông người nước Ngụy, địa bàn hoạt động chính là hai nước Lỗ và Tống, từng chu du phương nam tới đất Bái, nay là Bái huyện, tỉnh Giang Tô. Theo truyền thuyết, thuở nhỏ ông từng theo học thuyết của Lão Tử. Cuộc đời của ông ít được sách sử chép lại. Ông cũng không để lại tác phẩm hoàn chỉnh nào; những phát biểu của ông chỉ xuất hiện tản mát trong các sách Mạnh Tử, Hàn Phi Tử, Trang Tử, Lã thị Xuân thu, Hoài Nam Tử, Liệt Tử, v.v…


Là người chống lại cả Khổng Tử lẫn Mặc Tử, Dương Tử chủ trương “giữ trọn vẹn bản tính để bảo vệchân tính, không để cho bất cứ vật nào làm hại đến thân”. Quan điểm “vì chính ta” của Dương Tử được cụ thể hóa bằng câu nói của ông, đã trở nên thành ngữ bất hủ: “Bất bạt nhất mao: không nhổ một sợi lông”, dù có lợi cho đời, kể cả có lợi cho mình.


Qua những dấu vết để lại của Dương Tử, ta có thể thấy rõ ông lập luận rằng đã qua rồi thời đại liệt quốc; lúc này dân chúng cần rút về bảo thủ bản thân để duyệt xét mình và một lòng trau dồi đức liêm khiết. Vì thế, ta không nên để cho mình bị dính líu tới các vật ngoại thân, không nên đảm trách bất cứ vai trò xã hội nào hoặc lấy ý nguyện của người khác làm cơ sở hành động.


Nói cách khác, với chủ trương nuôi dưỡng mạng sống và quí trọng bản thân, Dương Tử có thể vất bỏ mọi thứ liên quan tới Nho gia và Mặc gia. Không thèm để mắt tới các vấn đề xã hội, ta chỉ nên chú mục theo đuổi lợi ích và khoái lạc của chính ta và hãy cứ cho rằng người khác cũng đang làm giống y như ta. Nói theo thuật ngữ triết học Tây phương, ông là người theo khoái lạc cá nhân chủ nghĩa.

Pháp gia

Xuất thân quí tộc nước Hàn và yêu thích môn học Hình danh pháp thuật, Hàn Phi (k. 280-233 tr.C.N.) là người tập đại thành tư tưởng Pháp gia cuối đời Chiến quốc với chủ trương thay đổi pháp chế để quốc gia hùng mạnh. Ông cùng với Lý Tư, tể tướng khai quốc của nhà Tần, là môn sinh của Tuân Tử. Hàn Phi qua đời trong ngục tối vì bị Lý Tư dèm pha với Tần Thủy Hoàng, truyền lại bộ sách Hàn Phi Tử.


Để làm nổi bật nội hàm Pháp trị chủ nghĩa của Pháp gia, có lẽ ta nên nhắc lại những chủ trương tương phản với họ. Đối với Khổng Tử, lễ của thời sơ Chu là cơ sở cho quan điểm của ngài về đạo đức và xã hội. Nỗ lực giáo dục đạo đức phối hợp với quá trình tu dưỡng đức Nhân của con người có khả năng đưa tới việc lập thành đức hạnh (đạo nghĩa). Dù phê phán nhiều khía cạnh trong khái niệm của Khổng Tử về vấn đề đó, Mặc Tử cũng chấp nhận rằng ta có thể giáo dục người dân về mặt đạo đức, với sự hỗ trợ của phần thưởng và hình phạt. Ngược lại, Lão Tử cho rằng không nên phí sức dạy cái gọi là đạo đức xã hội, mà chỉ nên khuyến khích cá nhân tự biểu hiện tự nhiên tính của mỗi người.


Hoàn toàn đi ngược lại ba lập trường trên, các Pháp gia - đứng đầu là Hàn Phi - buông bỏ toàn bộ nỗ lực tu dưỡng đạo đức. Họ lập luận rằng nền tảng độc nhất của một xã hội tốt đẹp chính là sự cai trị bằng luật pháp, và rằng không cần phải phát triển đạo đức bản thân, dân chúng vẫn hoàn toàn có khả năng tuân giữ luật lệ đã được thiết lập.


Đối với Hàn Phi, “Đạo là khởi thủy của vạn vật, là kỷ cương của đúng, sai”. Nhấn mạnh việc dùng phương pháp nghiệm chứng sau khi khảo sát để xem nhận thức đúng hay sai, Hàn Phi là người đầu tiên nêu lên thuyết “mâu thuẫn” để khái quát hóa sự chuyển động do bởi những mặt đối lập của sự vật. Ông chủ trương trung ương tập quyền để nhất thống Trung Hoa và dùng pháp trị để bình định thiên hạ.


Luận cứ căn bản của Pháp gia là cá nhân nào, một cách căn bản, cũng chỉ hành động vì bản thân. Đối với Pháp gia, nền luân lý đạo đức cũ cho rằng tính con người vốn nhân từ tốt lành, là hoàn toàn sai lạcvà giả dối; quan hệ giữa người và người chỉ là quan hệ về lợi và hại. Muốn xã hội thao tác hữu hiệu, phải kiềm chế tính tự tư tự lợi của người dân. Con người thời nào cũng yếu đuối, không thể hoạt độngvì lợi ích của nhân quần xã hội, thế nên cần phải áp đặt luật pháp lên trên họ. Căn bản của nền pháp luật ấy là nguyên tắc công bằng.


Nói cách khác, Pháp gia rút toàn bộ cơ sở đạo đức ra khỏi lãnh vực phát triển con người và hủy bỏ khái niệm con người lý tưởng. Đạo đức trong tương quan với nhu cầu xã hội và các cấu trúc khiến cho xã hội thao tác hữu hiệu. Sau khi xem xét cặn kẽ xã hội, Pháp gia khảo sát những phương cách cưỡng bách cá nhân phải sinh hoạt ăn khớp với xã hội.

Nhận định tổng quát

Nhìn từ quan điểm hiện đại, ta thấy ở đây hiện rõ một vấn đề triết học chủ chốt. Tới chừng mực nào bạn có thể cho rằng xã hội hiện hữu ở bên trên các cá nhân lập thành nó, để từ đó, bạn có thể hay không thể dùng ý tưởng xã hội làm cơ sở cho hành động đạo đức. Nho giáo và Pháp gia nhìn các cấu trúc xã hội cùng những bất bình đẳng như một thực tế đã định và cho phép chúng quyết định điều cá nhân nên làm. Cái giá phải trả để có sự hòa hợp xã hội là cá nhân thuận theo xã hội.


Ngược lại, người theo Mặc gia nhìn nguyên tắc xã hội - trong trường hợp này là sự đối xử bình đẳng với mọi người - như một phương cách cung cấp chuẩn mực để từ đó quyết định nên tổ chức xã hội như thế nào. Mặc Tử cổ động chuẩn mực ấy cho dẫu nó có vẻ đi ngược lại những khuynh hướng tự nhiên và những thực tế đã được quan sát về động thái của con người.


Đối mặt với tình thế lưỡng nan hoặc áp dụng các chuẩn mực để cải thiện xã hội hoặc chấp nhận những bất bình đẳng xã hội, Dương Chu quyết định chẳng chọn cái nào. Không thèm trị dân, ông dùng lối tiếp cận mang tính khoái lạc chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa.


Chúng ta sẽ thấy lối tiếp cận của Đạo học đối với vấn đề này khác biết bao, trong đó Lão Tử chủ trương rằng mọi sự được đặt cơ sở tiên quyết trên cá nhân và lối sống của cá nhân ấy hiệp làm một với Đạo.


Ở đây, nổi cộm câu hỏi có tính nền tảng rằng: “Xã hội có tính tự nhiên không?” Nếu xã hội có tính tự nhiên, thế thì những bất bình đẳng và những cấu trúc của nó là quá trình phát triển không thể tránh của bản tính con người và ta nên chấp nhận thực tế ấy. Nếu xã hội không có tính tự nhiên, thế thì chúng tacó thể kỳ vọng cá nhân phê phán các chuẩn mực của xã hội, và cung cấp các nguyên tắc hành động có tính cá nhân hoặc tính toàn cầu để qua đó có thể phán xét các xã hội hiện hành.

So với triết Tây

Liệu dân chúng có khả năng đến với nhau, đặt qua một bên các nhu cầu và quan điểm cá biệt của mỗi người, nhằm quyết định một chuỗi các luật lệ sẽ mang lại lợi ích cho xã hội như một toàn thể?


Đó là chủ đề nằm bên dưới phần lớn cuộc tranh luận phát xuất từ các học phái Trung Hoa thời Tiên Tần. Ta có thể tìm thấy tình huống tương tự và khảo sát vấn đề ấy trong một tác phẩm của triết học Tây phương hiện đại, đó là cuốn A theory of Justice (Một lý thuyết về công bình, 1972) của John Rawls. (Xem Đại cương triết học Tây phương).


V. Triển khai từ Khổng Tử


Trong Đại cương triết học sử Trung quốc, Phùng Hữu Lan viết: “Khổng Tử có lẽ được phương Tây biết đến nhiều hơn là người Trung quốc nào khác. Nhưng tại Trung quốc, mặc dầu danh ông vẫn luôn luôn được người biết, địa vị của ông đã biến đổi từ thời kỳ này sang thời kỳ khác”. (Nguyễn Văn Dương dịch, Nxb Thanh Niên, TP Hồ Chí Minh, 1998, t. 63).


Thật thế, danh giá của Khổng Tử ngày càng được nâng cao, quan điểm của ngài ngày càng được phổ biến nhờ quá trình diễn biến tư tưởng Nho giáo. Khởi đi từ sự kết hợp Nhân và Lễ, Khổng Tử cho rằng con người nên tu dưỡng các đam mê và nỗ lực bên trong bản thân theo cách thế thích đáng với địa vịxã hội của mình. Quan điểm ấy trong thực tế có hàm ý duy trì nguyên trạng trật tự của xã hội vì trong đó, địa vị của mỗi người cung cấp nội dung và cách hành xử Lễ của người ấy.


Sau Khổng Tử, có hai nhà tư tưởng đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển tư tưởngNho giáo. Mạnh Tử là người trau chuốt thêm ý tưởng về Nhân, khai thông những bế tắc trong tư tưởngcủa Khổng Tử về vũ trụ học, siêu hình học và đặc biệt, chính trị học. Tuân Tử trình bày tỉ mỉ và cặn kẽthêm ý tưởng về Lễ của Khổng Tử. 

1. Mạnh Tử (k. 372- 289 tr.C.N.)

Trong khi lời giảng của Khổng Tử, như chúng được lưu truyền cho chúng ta trong Luận ngữ, mang hình thức các chuỗi cách ngôn và hình ảnh, mỗi lời cung cấp cái nhìn sâu xa vào những am hiểu của ngài về bản tính của thực tại và đáp ứng thích đáng của con người, thì Mạnh Tử cống hiến bản thông giải tương đối nhất quán hơn, dù cuốn sách ghi lại ngôn từ và cuộc đời của ông vẫn chứa nhiều giai thoại.

Đôi nét cuộc đời

Mạnh Tử tên là Kha, tự Tử Dư, người đất Trâu (nay ở đông nam Trâu huyện, tỉnh Sơn Đông), thuộc dòng dõi quí tộc sa sút tại nước Lỗ. Thuở nhỏ, nhà rất nghèo, được mẹ cẩn trọng nuôi dạy, ông theo học Khổng Khâu, cháu đích tôn của Khổng Tử. Sau khi làm Khách khanh của Tề Tuyên vương, ông du hành qua các nước Tống, Đằng, Tiết và Ngụy để quảng bá lý thuyết chính trị của mình.


Vì học thuyết Nhân chính của ông bị tầng lớp cầm quyền các nước cho là không thích hợp với thời thế nên không một quốc chủ nào dùng, ông lui về dạy học. Sách Mạnh Tử, một trong Tứ Thư của Nho giáo, do môn đệ của ông ghi chép, và được ông đích thân duyệt lại. Tư tưởng của ông tập đại thành tư tưởngcủa các Nho gia thời Tiên Tần; được gộp chung vào tư tưởng của Khổng Tử thành “đạo Khổng Mạnh”. Đối với nho sĩ, địa vị của Mạnh Tử chỉ dưới thánh nhân Khổng Tử một bậc: ông được tôn là á thánh.

Người tính vốn thiện

Mạnh Tử xem xét tới điều không được Khổng Tử thảo luận cặn kẽ, đó là bản tính và định mệnh của con người. Học thuyết Nhân chính của ông đặt cơ sở triết học trên khái niệm rằng con người “tính vốn thiện”. Ông tin rằng mọi người sinh ra với thiện tính, chỉ sau đó mới học làm điều ác. Thí dụ được ông dùng để minh họa là phản ứng cứu cấp tự nhiên của mọi người khi có đứa bé bị té xuống giếng. Trời sinh trong mọi người có sẵn mối thiện; nội dung chủ yếu của mối thiện ấy gồm:

1. Lòng trắc ẩn một cách tự nhiên;

2. Cảm giác dị ứng cái ác;

3. Tính khiêm nhượng;

4. Biết phân biệt phải trái.


Đối với Mạnh Tử, tâm điểm của tu dưỡng và hành xử là phát huy tính thiện bẩm sinh ấy: “Giữ gìn tâm trívà nuôi dưỡng tính thiện là cách ta phục vụ trời”. (Mạnh Tử, Ly Lâu, Thượng).


Dù cốt tính của con người là thiện, nó cần được nuôi dưỡng. Cá tính của con người bị chi phối bởi tánh và tâm, nhưng mệnh quyết định chính xác những gì sẽ xảy tới. Con người không thể thay đổi vận mệnhcủa nó vì đó là cái nằm trong bàn tay của trời. Tuy thế, trời sinh tâm con người có đủ các thuộc tánh đạo đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí; chúng “không phải do bên ngoài rèn đúc nên ta, ta đã có sẵn vậy”; ta chỉ cần tu dưỡng để phát huy.


Bản tính thiện lu mờ, đạo đức con người sinh cao thấp là do bởi hoàn cảnh xã hội. Nếu được giáo hóabằng hiếu đễ, thành thật suy xét và tu dưỡng bản thân, phát huy cái “tính bản thiện” thì ai cũng có khả năng trở thành bậc thánh hiền như Nghiêu Thuấn. Với cái nhìn lạc quan ấy, Mạnh Tử tin rằng con ngườiđược trời phú cho “Lương tri” để không suy nghĩ mà biết, và “Lương năng” để không học mà làm được.


Tồn tâm, trì chí, dưỡng khí

Là người duy tâm chủ nghĩa, Mạnh Tử cho rằng chỉ cần hiểu tường tận nội tâm, biết cặn kẽ bản tính của mình, là biết được đạo trời. Để thấu hiểu thiên mệnh mang tính tất định chủ nghĩa của Khổng Tử, Mạnh Tử dùng khái niệm Thành ý. Con người phải sống với lương tri, tận tâm trong mọi việc và lòng chân thành chính là đạo của trời. Chỉ nam của tu tập là buông bỏ bản thân mà giữ gìn nhân nghĩa và nuôi dưỡng khí hạo nhiên trong mình. Đây là một loại khí không có tính vật chất; khí hạo nhiên là một khái niệm siêu luân lý của Mạnh Tử, dùng để chỉ trạng thái tinh thần xuất hiện khi ta ở vào cảnh giới đạo đứccao thượng. Sách Mạnh Tử, chương Công Tôn Sửu, Thượng có viết:

“Ta khéo nuôi cái khí hạo nhiên của ta. [.] Cái khí này rất lớn mạnh, nếu được nuôi dưỡng tử tế mà không làm hại gì đến nó, thì nó đầy dẫy khắp thiên hạ”.


Từ tính của con người, Mạnh Tử đề cập khí lưu hành khắp vũ trụ, rồi tới ý hướng của tâm, tức là chí, để có cái khí đó: tính khí - tâm chí - chí khí. Bản thể của khí là hạo nhiên, nghĩa là rất lớn. Nó là vận dụng của lý và lưu hành khắp vũ trụ, tụ lại thành vạn vật. Sự vật sinh trưởng, kể cả con người, là nhờ khí lưu hành trong nó. Phải có chí nuôi dưỡng mới có khí hạo nhiên ấy. Có rồi, tính và khí điều hòa khiến cho động thái của ta hợp với thiên lý, nghĩa là con người hợp nhất với vũ trụ.


Muốn nuôi dưỡng khí hạo nhiên ấy, theo Mạnh Tử, ta phải thường xuyên và kiên trì phối hợp Đạo với Nghĩa. Phải “hiểu Đạo”, tức là hiểu đường lối hay nguyên lý dẫn tới cảnh giới đạo đức cao thượng. Và phải “tập nghĩa”, tức là luôn luôn làm những việc hợp nghĩa lý, một cách tự nhiên và liên tục. Phối hợpđạo nghĩa để nuôi dưỡng khí hạo nhiên trong một thời gian lâu, khí ấy sẽ tự nhiên xuất hiện. Chỉ cần một chút xao lãng hoặc gò ép nóng vội là hỏng. Mạnh Tử bảo ta đừng bắt chước như một người nước Tống lo cây lúa mọc không được chóng lớn bèn nhớm gốc lên cho cao khiến lúa chết hết. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn tới Khí và Lý trong đoạn đề cập tới Lý và Khí trong học thuyết của Tống nho.

Dân quí nhất và Nhân chính

Về mặt chính trị học, từ ý tưởng Nhân của Khổng Tử, Mạnh Tử phát huy thành Nhân chính, một học thuyết xung phá cái bế tắc của Khổng Tử và làm cơ sở cho khái niệm dân chủ về sau. Trong khi Khổng Tử cổ vũ tinh thần tôn quân quyền, một lòng vận động quân vương “tu đức”, và chỉ biết lui về dạy học khi gặp hôn quân, thì Mạnh Tử đưa ra quan điểm cực kỳ cách mạng. Ông cho rằng đối với loại bạo chúa hại dân như Kiệt Trụ, có thể giết. Lúc đó không phải giết vua mà chỉ là giết gã thất phu vô lại. Giết như thế là làm theo mệnh trời. Nhưng kẻ giết bạo chúa mà lên ngôi cũng phải nổi tiếng là người hiền, được dân chúng tin tưởng là khoan đại và nhân nghĩa.


Đối với vấn đề trị quốc, Mạnh Tử chủ trương dùng Nhân đức và Vương đạo. “Người dùng đức thi hànhnhân là bậc vương” (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, Thượng). Thang giá trị trong nước được xếp theo thứ bậc: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh: Dân là quý, kế đó xã tắc, vua thì nhẹ” (Mạnh Tử, Tận tâm, Hạ). Vì thế, tâm điểm của mọi sách lược chính trị phải là “trọng dân”. Được dân là được thiên hạ; muốn “được dân” thì phải “được lòng dân”. Trọng dân tức là tôn trọng công bằng xã hội để người dân nhận được cái họ đáng được hưởng từ quan quyền.


Tiêu chuẩn dùng để phán xét nhà cầm quyền là hạnh phúc của dân chúng. Mạnh Tử chủ trương bớt hình phạt, nhẹ sưu thuế, dựa vào lòng dân trên cơ sở bản tính con người vốn thiện. Chính nhờ thế mới có thể thiết lập sự ổn định chân chính cả xã hội lẫn chính trị. Việc an bang tế thế chỉ có thể tiến hành hữu hiệu bằng cách tôn trọng các nguyên tắc minh bạch. 

2. Tuân Tử (k.313-239 tr.C.N.)


So với chư tử vừa kể, Tuân Tử chỉ là một nhà tư tưởng và nhà giáo thuần túy. Ông tên là Huống, tự Khanh, người nước Triệu, và gần như không bao giờ bôn ba các nước để tìm cơ hội an bang tế thế. Trong số học trò của ông, có hai người nổi tiếng là Hàn Phi và Lý Tư cùng theo phò Tần Thủy Hoàngtrong cuộc nhất thống Trung Hoa. Tác phẩm tản văn lý luận của ông để lại thường được người đời saugọi là sách Tuân Tử. 

Người tính vốn ác 

Trong khi Mạnh Tử nhất quyết “nhân chi sơ tính bản thiện” thì Tuân Tử chắc chắn rằng “Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã: tính người vốn ác, những điều thiện là do người ta bày đặt”. Nếu để tính ác ấy phát triển tự nhiên, sẽ đưa tới hỗn loạn tranh giành, thế nên phải vừa tăng cường lễ nghĩa giáo hóa, vừa dùng quy định đạo đức xã hội để sửa đổi nó.


Là người vô thần và duy lý chủ nghĩa, Tuân Tử đề ra một học thuyết tư tưởng có nguồn gốc Nho giáo và dung hợp với chủ trương pháp trị chủ nghĩa của Pháp gia. Trời của Tuân Tử phi nhân cách, được đồng hóa với thiên nhiên và quá trình tự nhiên. Như thế, nó đem nội dung Nho giáo của ông tới gần với Đạo giáo của Lão Tử.

Con người, tác nhân của xã hội

Không giống như Khổng Tử xem ‘thiên ý’, về phương diện nào đó, là cấu trúc lý tưởng và ngoại tại mà con người cùng các biến cố phải thuận theo nó, Tuân Tử tìm thấy trong quá trình tự nhiên những đường lối chỉ đạo cho con người, vì tự nhiên giới và vận động biến hóa của nó hoàn toàn khách quan: “Trời vận hành theo qui luật thường, chứ không vì một người nào cả”. Đạo trời chẳng liên quan gì tới đạo người; xã hội trị hay loạn đều do bởi con người.


Bản tính ác của con người, theo Tuân Tử, trước hết phải được thuần hóa bằng lễ giáo. Như thế, những nghi lễ tôn giáo thời sơ Chu trở thành luật tắc hạnh kiểm đối với Khổng Tử, nhưng sang tới Tuân Tử, ông nhìn Lễ như phương cách kiểm soát cuộc sống của những kẻ chưa được thuần hóa đầy đủ để trở nên thiện hảo. Vẫn theo đuổi Nhân trị nhưng với Tuân Tử, Lễ là công cụ trợ huấn để kiểm soát xã hội.

Lễ để giáo, Pháp để trị

Do đó, thật không ngạc nhiên khi ta thấy Tuân Tử đặt hành cao hơn tri, và đi tới chủ trương thống nhất Trung Hoa bằng chế độ trung ương tập quyền, vừa chấn hưng Lễ để giáo hóa, vừa đặt nặng Pháp để trị an, tôn trọng hiền tài, và dùng cả thuật vương lẫn thuật bá. Tuy thế, chính quyền có đứng vững hay không vẫn thuộc lòng người; Tuân Tử để lại câu nói danh tiếng, có tính qui luật: “Vua là thuyền, dân là nước, nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền”.


Về nhận thức luận, Tuân Tử cho rằng con người có khả năng nhận biết nguyên lý khách quan của thế giới tự nhiên. Hiểu tính của người là biết lý của vật. Con người có thể thông qua cảm quan và tâm để nhận thức thế giới khách quan. Đối với ông, tâm của con người là tâm điểm. Tâm có khả năng chứng nghiệm để biết mọi sự. Vì thế, muốn nhận thức toàn diện và thấu đáo, ta phải giữ cho tâm “trong sạch hư tĩnh”. Ở chỗ này, quan điểm của Tuân Tử rất gần với Mạnh Tử.


Tóm lại, lối lập luận trong các phạm vi chính trị học, nhận thức luận, đạo đức học kể trên, cho thấy Tuân Tử tuy theo duy lý chủ nghĩa, chống lại mọi hình thức mê tín, nhưng tựu trung vẫn là người nhân bảnchủ nghĩa và nằm trong khuôn khổ Nho giáo chính thống.

Nhận xét tổng quát

Ba triết gia thời Tiên Tần là Khổng Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử hình thành căn bản tư tưởng thời kỳ đầu của một học thuyết mà về sau càng ngày càng được nâng cấp và phát triển để biến thành quốc giáo của Trung Hoa.


Suốt trong ba thế kỷ cuối trước C.N., Nho giáo chấp nhận các nghi lễ. Trong ý nghĩa ấy, nó bắt đầu có chiều hướng càng ngày càng giống với một tôn giáo hơn là một triết học đạo đức và xã hội như ý định nguyên thủy của những người làm nên nó. Đồng thời, tư tưởng Nho giáo cũng càng ngày càng bị ảnh hưởng bởi lối mô tả đậm đà bản sắc Trung Hoa về sự quân bình trong tự nhiên, mang dạng thức Âm Dương.


Âm tiêu biểu cho nguyên lý cái, tĩnh, bóng tối, tiêu cực, đêm, mưa, v.v… Dương tiêu biểu cho nguyên lý đực, động, ánh sáng, tích cực, ngày, nắng, v.v… Quân bình Âm Dương quan trọng một cách đặc biệttrong truyền thống Đạo giáo, và chúng ta sẽ mô tả nó ở phần sau. Tuy thế, có một điểm ta cần để ý rằng Âm Dương là một quan điểm về tự nhiên, trong thực tế nó hầu như lập thành một học phái riêng biệt, được gọi là Âm Dương gia, và chắc chắn học phái ấy có ảnh hưởng lên cả Nho giáo lẫn Đạo giáo. 

VI. Tân Nho giáo

1. Hán nho và Đường nho

Để kỷ cương hóa xã hội sau mấy trăm năm tao loạn và củng cố chế độ quân chủ tân lập, nhà Hán (202 tr.C.N.-220 s.C.N.) tôn phong Nho giáo làm một định chế quốc gia. Dưới triều Hán Võ đế (140-87 tr.C.N.), thể theo kiến nghị của danh nho Đổng Trọng Thư (k.179-104 tr.C.N.), nhà vua chấp nhận Nho giáo là quốc giáo, và xoay quanh trục đó là Hán nho.


Đổng Trọng Thư tiến hành chế độ thi cử với nội dung chủ yếu là kinh điển Nho giáo, để tuyển người giỏi chữ nghĩa ra làm quan. Ông còn chọn trong Ngũ luân lấy ra ba giềng mối quân thần, phu phụ, phụ tử, và đặt tên là Tam cương. Cương nghĩa đen là dây chính của chiếc lưới từ đó mọi sự dính vào. Ông còn thêm Tín vào Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí để thành Ngũ thường, năm phẩm tính chuẩn mực bất biến của Nho gia. Như thế, có sự phân định rành mạch: Ngũ thường là năm đức của cá nhân, Tam cương là luân lýcủa xã hội.


Sang tới đời nhà Đường (618-906), đạo học Lão Trang phục sinh và Phật giáo du nhập, phát triển mạnh, đòi hỏi Nho gia phải giải thích lại kinh điển để đáp ứng nhu cầu mới của thời đại. Dù Ngũ kinh Tứ thư vẫn chiếm địa vị trọng yếu trong khoa cử và có những thành tựu tuyệt vời về văn chương, các tác phẩm của Nho gia hai thời Hán Đường vẫn chỉ là chú giải, ngoại trừ một số ý tưởng cập nhật của Đổng Trọng Thư và Vương Sung (27-79). Tuy hai danh nho ấy củng cố vị thế của Nho giáo bằng cách thônggiải cổ truyền theo yêu cầu xã hội và chính trị, họ đã biết kết hợp suy tưởng triết học với những am hiểucó được từ kinh điển chính thống.


Phải chờ tới hai đời Tống Minh, tư tưởng Nho giáo mới có chuyển biến mới. Nho gia nỗ lực tái thông giải truyền thống để chống lại Phật giáo và Đạo học. Nhưng muốn phản bác có hiệu quả, phải am hiểusâu sắc học thuyết của đối phương, và trong bối cảnh chung đụng đó, Nho giáo không thể không bị ảnh hưởng nhất định của hai nền triết học kia. Từ đó, mở tới một thời điểm tập đại thành khác, trong đó Nho học được Tống nho phục hưng và nâng cấp, Minh nho bổ sung, làm thành cái được các học giả triết sử gọi là Tân Nho giáo hoặc Tân Khổng học.

2. Tống nho

So với Nho giáo truyền thống chú trọng thực dụng và giáo dục người dân bậc trung thành quân tử, Tống Nho có điểm rất khác biệt là:

1. Đi sâu vào lãnh vực siêu hình học;

2. Chú trọng tới phép tu dưỡng, quán tưởng;

3. Tu tâm dưỡng tính để thành thánh nhân.


Khí và Lý

Khí là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, chỉ tụ hay tán chứ không sinh diệt. Nho gia đưa ra quan điểm ấy là Trương Tái (1020-1077), triết gia thời Bắc Tống, người Mi huyện, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây. Ông thi đỗ Tiến sĩ, làm quan cao và từng giảng học ở Quan Trung nên học phái của ông được gọi là Quan học. Tác phẩm triết học chủ yếu của ông là Chính mông, Dịch thuyết, Trương Tử ngữ lục. Từ khái niệm về Lý ấy, ông đưa ra học thuyết “Thái hư tức là khí”. Thái hư không phải là khoảng chân không, mà là khí vô hình tan ra; nó vẫn là thực tại khách quan, có tính vật chất.


Khác với Trương Tái, Chu Đôn Di (1017-1073) chú trọng Lý hơn Khí; ông cho rằng vạn vật bẩm thụ cái lý của thái cực và cái tính của ngũ hành. Họ Chu người Hồ Nam, cuối đời ẩn cư ở Liêm Khê, dưới chân núi Lô Sơn, Giang Tây nên được gọi là Liêm Khê tiên sinh. Tác phẩm chủ yếu của ông có Thái cực đồthuyết và Thông thư.


Dùng Thái cực đồ của đạo gia để giảng về vũ trụ, Chu Đôn Di cho rằng vũ trụ phát triển tuần tự theo qui luật Vô cực > Thái cực > Âm dương > Ngũ hành > Vạn vật > Vạn vật sinh sôi nảy nở không ngừng nghỉ. Lý toàn thiện nên tính người cũng vốn thiện. Con người phải tu dưỡng bằng tĩnh tâm, vô dục để cho tâm sáng và thấy được bản tính và cái Lý toàn thiện.


Nhân, Lý và trí tri

Cùng là danh gia Lý học đời Tống có hai anh em họ Trình, học trò của Chu Đôn Di.

Trình Hạo (1032-1085), người Lạc Dương, Hà Nam ngày nay. Ông cũng theo Lý học nhưng nhấn mạnhđến Nhân. Tác phẩm để lại của ông có Minh đạo văn tập, bộ Nhị Trinh tập. Tính khoan hòa, giản dị, ông cho rằng mọi vật đều hàm chứa khuynh hướng tới sự sống, cái làm thành đức nhân của trời đất. Nếu ta coi trời đất vạn vật là nhất thể thì mọi vật và mình đều thông suốt với nhau. Vạn vật đều có Lý, thuận với Lý thì tốt đẹp, trái với Lý thì tai họa. Xưa nay phong khí khác nhau nên khí dụng cũng khác nhau; xã hộibiến đổi là chuyện tất nhiên. Vì thánh nhân thông suốt lẽ biến thiên của mọi sự nên tùy thời mà hành động khiến người dân không bị gượng ép, phiền nhiễu.


Trình Hạo đặt tri phải ngang với hành. Ông đúng là mẫu người quân tử hòa nhi bất đồng. Khi làm giám sát ngự sử, họ Trình thẳng thắn chống tân pháp của tể tướng Vương An Thạch, kẻ từng biếm Tô Đông Pha (1036-1101) ra Hàng Châu. Ông thường ngồi ung dung nghị luận về các biện pháp tiện hay bất tiện, bị họ Vương nghiêm sắc mặt, tỏ vẻ không bằng lòng. Trình Hạo từ từ nói rằng: “Việc thiên hạ không phải là việc bàn riêng của một nhà, xin bình khí mà nghe thì mới phải”. Lời ông nói làm vị tể tướng độc đoán ấy hổ thẹn, phải nín nhịn ông.


Trình Di (1033-1107) tính nghiêm nghị cương quyết khác với anh và là người hiếu cổ, theo đúng từng chữ trong lời Khổng Tử nói, tự xem mình có nghĩa vụ kế thừa Nho giáo cổ truyền. Ông làm quan thường gặp hoạn nạn, thậm chí dạy học cũng bị nịnh thần qui tội phe đảng, bắt giam và bắt giải tán học trò. Đối với Trình Di, trong thiên hạ chỉ có một Lý; nó vĩnh cửu, ta không thể thêm bớt gì được. Mọi vật trong thế gian nếu sinh ra đúng qui cách thì phải là sự nhập thể của một nguyên tắc nào đó. Vật nào sinh ra cũng có nguyên tắc nhất định riêng của vật ấy; theo Trình Di, nguyên tắc ấy là Lý.

Về đạo đức xã hội, Trình Di chủ trương trai gái có thứ tự cao thấp, vợ chồng có lễ tắc xướng tùy, và đó là thường lý. Con người phải bảo lưu thiên lý, diệt dục vọng. Có người hỏi ông, “Gái góa nghèo bơ vơ, có thể tái giá không?” Ông nghiêm chỉnh trả lời rằng, “Chết là việc nhỏ, thất tiết là việc lớn”. Ông phát biểu về tu tâm dưỡng tính trong câu “Hàm dưỡng thì nên dùng lòng kính [nghiêm trang đạo mạo], muốn học thì trước hết phải trí tri [hiểu thấu vạn vật nhất thể]”. Ông để lại rất nhiều sách, trong đó có Y Xuyên văn tập, Y Xuyên dịch truyện, Trình thị kinh thuyết, v.v…

So với triết Tây

Ở đây, ta thấy có điểm tương đồng thú vị giữa Lý như một nguyên tắc nhập thể làm nên sự vật với Hình thái của Plato, nhất là với Dạng thức của Aristotle khi nhà triết học Hi Lạp thứ hai này cho rằng chính Dạng thức quyết định quá trình tăng trưởng và kết quả. Thí dụ, chính vì Dạng thức nên hạt bắp mới trở nên cây bắp, mà không lớn thành cây lúa và hạt thóc.

Tập đại thành Chu Hi (1130-1200)

Lý học của các triết gia vừa kể được Chu Hi hệ thống hóa. Chào đời sau khi Trình Di mất 23 năm, ông cũng đi theo học phái ấy và trở thành nhà tư tưởng duy tâm nổi tiếng nhất kể từ các Nho gia thời Tiên Tần.


Chu Hi tên tự Nguyên Hối, hiệu là Hối Am, người ở Vụ Nguyên, nay thuộc tỉnh Giang Tây. Ông là học trò bốn đời của Trình Di, nhà giáo theo đúng từng chữ của Khổng Tử và học trò của Chu Đôn Di, người tin vào Lý hơn Khí, cái là tín thuyết của Đạo giáo từ đời Hán.


Chu Hi bắt đầu như một người theo học Phật giáo nhưng vì không thể chấp nhận ý tưởng về vô ngã - không có bản ngã cố định - nên ông hướng tới truyền thống Nho giáo và rồi trở thành người trình giảichính của Tống Nho. Ông đậu Tiến sĩ niên hiệu Thiệu Hưng, làm quan tới chức Bảo Văn Các đãi chế kiêm Thị giảng cho vua Minh Tông.


Theo Nguyễn Hiến Lê trong Sử Trung Quốc, tập II, t. 63 thì: “Tính tình [Chu Hi] cũng nghiêm cẩn như Trình Di. Ông dậy từ mờ mờ đất, ăn mặc chỉnh tề, lại vái ở bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Khổng Tử, rồi mới vô phòng viết. Lúc nào cũng ngay ngắn, y như lời Khổng Tử dạy. Rất có thứ tự, rất siêng năng. Môn sinh rất trọng, gọi là Chu phu tử. Học rất rộng, trứ tác rất nhiều: chú thích kinh Thi, kinh Dịch, và bộ Tứ thư”.


Các lời giảng của Chu Hi được chấp nhận là chính thống trong một thời kỳ dài suốt hơn 800 năm, kể cả hai triều đại Minh và Thanh, cho tới thế kỷ 20, khiến hình thức Tống nho này thật sự ảnh hưởng sâu sắc trong quá trình kết cấu xã hội Trung Hoa, và có lẽ chỉ bớt đi từ lúc bỏ khoa cử, năm 1905, và bị tạm gián đoạn kể từ năm 1949, khi Cộng sản nắm chính quyền tại Hoa Lục.

Nguyên lý tối hậu

Nho giáo của Chu Hi có có tính siêu hình học hơn truyền thống trước đó. Dù chủ yếu vẫn là Nho gia, ông tiếp thu lý luận duy tâm của Phật giáo và Đạo học, lập thành một hệ thống Lý học lớn rộng. Đối với Chu Hi, Lý là phạm trù triết học tối thượng, là điểm xuất phát và cũng là điểm chung kết trong tư tưởngtriết học của mình. Ông nhận định: “Trong khoảng trời đất, có Lý có Khí. Lý là hình nhi thượng của Đạo, là gốc của sinh vật. Khí là hình nhi hạ của Đạo, là công cụ của sinh vật”. Tuy Lý là gốc Khí là ngọn, Lý trước Khí sau, Lý là chủ của Khí nhưng cả hai nương dựa vào nhau và không bao giờ rời nhau.


Lý là nguyên lý tối hậu nằm đằng sau mọi sự: hằng cửu, bất biến và thiện. Lý của mọi sự là bản tínhchân chính của chúng; nó là lý do khiến mọi sự hiện hữu như chúng là chúng. Do đó, tuy Lý có ý nghĩatương tự Lễ, hiểu như “trật tự hoặc tác phong chân chính”, nó lại liên quan toàn diện tới con người và vũ trụ. Nhưng không thể có sự vật nào chỉ là Lý, nó cần một cơ sở vật lý, một chất liệu thật sự để làm thành sự vật. Chu Hi gọi thành tố vật lý ấy là Khí. Nguyên lý tối hậu - Lý - được phô diễn trong mọi sự vật bằng một sức mạnh vật chất không bao giờ biến đổi - Khí - cái là năng lượng và vật chất của vũ trụ.


Như thế, Khí là sức mạnh vật chất của mọi sự mọi vật, tụ thì sinh sự sống, tán thì sinh sự chết; Khí sản sinh tâm trí và ý thức cùng thân xác, những cái cũng phát sinh như là kết quả sự hợp thành của sức mạnh ấy và chấm dứt một khi diễn ra sự phân tán của nó. Do đó, toàn bộ sinh tử là sự phô diễn trực tiếp của Khí. Khí của Chu Hi cũng có tính năng lượng như khí của Mạnh Tử. Chu Hi đã chú giải về khí hạo nhiên rằng: “Hạo nhiên là chỉ tình trạng to lớn, đầy khắp. Khí là chỉ cái thể sung mãn tràn đầy. Một khi đắc được khí hạo nhiên, con người làm điều nghĩa một cách dũng cảm, không chút sợ sệt”.

Lý, Khí với Lễ và Chính tâm

Trong truyền thống Nho giáo trước Chu Hi, Lễ là thuật ngữ dùng để nói tới nguyên tắc, qui cách về động thái đức hạnh, có lẽ được diễn tả trung thực nhất bằng cụm từ “làm điều đúng đắn và thích đáng”. Sang tới Chu Hi, ông đem Lý liên hệ với Tam cương: quân thần, phu phụ, phụ tử, và Ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, bằng cách tuyên dương rằng trong Lý có đầy đủ thuộc tính luân lý đạo đức. Như thế, về tổng quát, Lý của Chu Hi bao gồm cả Lễ của tiên nho, và được ông gọi là “cái tối hậu vĩ đại”.


Bao giờ cũng thế, trong triết học Đông phương, siêu hình học đưa dẫn tới các vấn đề đạo đức. Nhưng đối với Chu Hi, có một vấn đề căn bản. Đó là: “Nếu mọi sự do Lý chi phối, và nếu Lý là cái vốn thiện, thế thì cái ác đến từ đâu?”


Ông trả lời bằng cách cho rằng, dù bản tính con người, đúng như Mạnh Tử nói, vốn thiện, nó có thể bị tác dụng trì độn của các sức mạnh vật chất. Cái ác không có sức mạnh tích cực, đúng hơn, nó chỉ là một tập hợp những cái ô trọc trong dạng thức vật chất. Người và vật bẩm thụ Lý rồi mới có tính, bẩm thụ Khí rồi mới có hình. Như thế, bản tính của con người là sự phô diễn của Lý bên trong mỗi người.


Có thể trình bày sự việc ấy rõ ràng hơn bằng cách nói “quân bình hoặc mất quân bình”. Trong trạng tháiquân bình và hòa hợp tự nhiên, Lý của vũ trụ được phản ánh trung thực và mọi sự đều tốt lành. Trong trạng thái mất quân bình do bởi sức mạnh vật chất quá dày đặc, Lý bị méo mó mù mịt và kết quả là cái ác. Thao tác thông suốt của Lý trong một cá nhân được biểu lộ bằng Nhân, cái là hạnh kiểm chân chínhvà cao quí. Cá nhân có khả năng am hiểu Lý của mình, song le vì tâm trí mờ mịt bởi hiệu quả trì độncủa loại Khí ô trọc khiến cho méo mó cái “tính vốn thiện” của mình.


Đối với Chu Hi, Lý thể hiện trong nhân tính là “thiên mệnh chi tính”, là chí thiện. Cùng với nhân tính chí thiện ấy, con người còn có “tính khí chất”. Để không bị “tính khí chất” phát sinh ra lòng tham muốn che mờ “tính chí thiện”, ông khuyên ta “làm sáng lẽ trời, tiêu diệt tham muốn của con người”. Điều quan trọng nhất của tự tu dưỡng là chính tâm. Muốn chính tâm thì phải tĩnh, phải kính, phải chuyên chú. Đó là một quá trình tước bỏ, xua tan các hiệu quả mờ mịt méo mó của Khí ô trọc để vén lộ cái Lý “chí thiện” đang nằm sẵn bên dưới.

So với triết Tây

Ở đây, có vẻ Chu Hi triệt để theo chủ nghĩa nhị nguyên với nguyên lý tối hậu ở bên này và vật chất ở bên kia, nhưng không giống với chủ nghĩa nhị nguyên tâm trí/thể xác trong triết học Tây phương.


Khí của học thuyết Chu Hi sản sinh cả tâm lẫn vật. Vì thế, khi nhìn vào Nho giáo, có lẽ ta sẽ an toàn hơn nếu không để mình vương vấn tới khái niệm nhị nguyên chủ nghĩa của Tây phương; ta chỉ nghĩ tới Lý và Khí của Tống nho như là “nguyên lý của thực tại” cùng “sự phô diễn thật sự của thực tại”.

Cách vật trí tri

Về nhận thức luận, Chu Hi dựa theo thuyết Cách vật trí tri của hai anh em nhà giáo Trình Hạo và Trình Di, cùng một truyền thống và chào đời trước ông 100 năm: đối với mọi sự vật, ta phải biết rõ nguyên lý của nó (cách vật) để hiểu nó tới tận cùng (trí tri). Khi chú giải sách Đại học, Chu Hi đã viết về mệnh đề “trí tri tại cách vật” rằng: “[.] có nghiên cứu kỹ sự vật thì sự hiểu biết (tri thức, kiến thức) mới tới sau. Chữa căn bệnh của người đời hay suy nghĩ viển vông, không dựa vào thực tế. Nhưng hiểu biết vẫn phải tới nơi tới chốn mới được gọi là hiểu biết, nên ý ‘thấu đáo’ vẫn không bỏ mất”.


Đối tượng của nhận thức theo Chu Hi là Lý; thông qua việc thấu triệt mọi sự vật, ta hiểu rõ và phát huy cái Lý vốn tiềm ẩn trong tâm ta. Một khi thẩm tra các sự vật, nhìn ra cách thức sức mạnh vật chất đang làm mờ mịt cái Lý căn bản, con người có khả năng chế ngự chúng. Tuy nhận thức luận của Chu Hi có tính duy tâm chủ nghĩa, nhưng nó bao hàm quan điểm biện chứng biến hóa bất tận khi ông phát biểurằng “Vạn vật trong trời đất, chưa hề không có gì không đối kháng lẫn nhau”. Hai cái đối kháng nhau ấy cùng tồn tại, quan hệ, nương dựa và chuyển hóa với nhau, như Âm với Dương. Trong cái này có cái kia, sinh sinh hóa hóa. Ta sẽ tiếp tục nhìn kỹ hơn Âm và Dương ở đoạn dưới.

Thái Cực

Trong Tống nho, Lý cũng như Lễ trước đó, không chỉ có ý nói tới động thái bên ngoài mà còn là nguyên lý của lý trí hiện hữu một cách hằng cửu trong mọi sự vật. Quan điểm ấy làm nảy sinh thêm thuật ngữThái cực. Ngang đây ta có đầy đủ vũ trụ quan của Nho giáo: tại điểm khởi đầu của vũ trụ là Thái cực, cái là Lý của trời và đất, từ đó phát sinh Khí, cái là cơ sở vật chất của vạn vật. Khí phát sinh Dương (động), và Âm (tĩnh). Đối với Chu Hi, “trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, Âm tới cực điểm thì sinh Dương, Dương tới cực điểm thì sinh Âm, do vậy thần hóa vô cùng”, và “một chia thành hai, đoạn nào cũng thế, cho đến vô cùng”. Cứ thế, Âm và Dương biểu hiện quá trình biến đổi và quân bình đang diễn ra, rồi tới lượt chúng phát sinh kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; năm hành chất ấy hợp thành mọi sự: Thái cực sinh Âm Dương, Âm Dương sinh Ngũ hành, Ngũ hành sinh Vạn vật, Vạn vật sinh sôi nảy nở không ngừng nghỉ. Ở điểm này, ta thấy bóng dáng của Chu Đôn Di.


Tuy thế, theo ý nghĩa nhất định, ngũ hành không hoàn toàn có tính vật lý; chúng chỉ có ý nói tới các đặc tính và thiên hướng bên trong mọi sự vật. Do đó, lý thuyết về ngũ hành trình bày cụ thể năm quá trình tự nhiên trong vạn vật theo cách làm cho chúng có khả năng liên quan tới cơ quan và và tính khí của con người.


1. Kim. Phế. Tính như sắt có thể thay đổi (tùy thợ rèn);

2. Mộc. Gan. Tính như gỗ, khi cong khi thẳng;

3. Thủy. Thận. Tính như nước thấm xuống dưới;

4. Hỏa. Tim. Tính như lửa nóng bốc lên;

5. Thổ. Tì. Tính như đất, cày xới tu dưỡng.


Như thế, ngũ hành là những biểu tượng của các quá trình ràng buộc loài người với phần còn lại của tự nhiên, trong đó, từng cặp ngũ hành tương khắc tương sinh theo với toàn bộ quá trình sinh hóa và hòa nhập của vạn vật, làm thành quan niệm về nhân sinh và vũ trụ của người Trung Hoa.

So với triết Tây

Đối với Tống nho, đạo đức phản ánh sự quân bình tự nhiên trong vũ trụ. Trong vấn đề này, triết học Tây phương có những điểm tương đồng thú vị, cách riêng trong triết học tiền Socrates thời Hi Lạp cổ đại.


Ta có thể thăm dò các ý tưởng của Heraclitus. Giữa một thế giới mọi sự đang trong trạng thái liên tụcbiến đổi, Heraclitus tìm kiếm logos - nguyên lý nằm đằng sau mọi sự - và sự quân bình của vạn vật. Pythagoras cũng thế; ông nói tới phẩm tính đạo đức trong liên quan tới hành động tìm thấy sự phô diễn của hòa hợp thiêng liêng trong linh hồn con người.

So với Phật giáo và Đạo học

Việc canh chừng tâm trí thao tác là một phương pháp tự tu dưỡng có nhiều tương đồng với truyền thống Phật giáo, vốn cũng xem “smrti hay sati: chú tâm hoàn hảo” là đặc điểm chủ yếu, và chính truyềnthống Thiền Phật giáo cũng có ảnh hưởng đặc biệt tại Trung Hoa. Ta cũng có thể thăm dò lối tiếp cận ‘huyền lãm’ của Lão Tử trong Đạo đức kinh với phương pháp giữ cho tâm hư tĩnh để có cái nhìn thấu suốt bản tính của sự vật, khiến cho ‘không đi mà biết, không thấy mà hiểu’.


Rõ ràng phần lớn học thuyết Tống nho, cả Lý học Chu Đôn Di lẫn Lý Khí học của Chu Hi và sau này Tâm học Vương Dương Minh, đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Đạo học và Phật giáo. Từ thời này sang thời khác, đã có nỗ lực ở phía người Nho giáo nhằm tạo khoảng cách với siêu hình học chịu ảnh hưởng hai nền triết học ấy để quay trở lại với kinh điển chính thống của mình.

Tống Nho làm mất nước?

Cũng đã có thời người ta qui kết rằng do bởi Nho gia đời Tống một đàng quá trọng khoa cử tới độ sĩ tử chỉ biết từ chương, và một đàng học thuyết của Tống nho tuy huyền vi, cao siêu nhưng kém thực dụngnên Trung Hoa ngày càng suy vi khiến cho mất nước vào tay Mông Cổ.


Lý do thứ nhất có thể đúng vì theo Phùng Hữu Lan trong sách đã dẫn, t. 292, thì “Trong suốt triều Tống, nhà đại chính trị và cải cách Vương An Thạch (1021- 1086) soạn những lời ‘tân giải’ cho vài kinh điểnấy, và năm 1075, vua Thần Tông truyền chiếu công nhận lời chú giải của họ Vương là chính thức. Vương An Thạch nắm quyền điều khiển quốc gia.” Trong bối cảnh khoa cử độc quyền “huấn hỗ: chú giảicổ văn” của một tể tướng khắc nghiệt và rồi thất bại ấy, đương nhiên cái học chỉ một chiều, nguyên khíquốc gia bị thương tổn, di hại sâu xa và lâu dài cho dân tộc.


Về lý do thứ hai, Nguyễn Hiến Lê trong sách đã dẫn t. 61, cho rằng: “Theo tôi, lời chê trách đó quá đáng. Tống nho không chịu trách nhiệm về sự mất nước vào tay Mông Cổ. Trách nhiệm về triều nhà Tống, mà cũng không hẳn như vậy nữa. Thời đó không dân tộc nào chống nổi với Mông Cổ (trừ Việt Nam [.]), trái lại nhờ sự giáo huấn của Tống nho nghiêm mà sĩ khí đương thời cao, người phương Tây rất phục”.

3. Nguyên nho

Vó ngựa Mông Cổ đạp đổ thành trì của Trung Hoa. Lần đầu tiên trong lịch sử, người Hán mất trọn vẹnchủ quyền. Suốt 90 năm, toàn đất nước Trung Hoa chịu sự thống trị của nhà Nguyên (1277- 1367) mà họ xem là một trong các rợ phương bắc.


Người Mông Cổ cai trị Trung Hoa theo chính sách hà khắc, chia để trị và cực kỳ tàn nhẫn. Thế rồi vua quan nhà Nguyên càng ngày càng bị Hán hóa. Năm 1313, vua Thần Tông hạ chiếu qui định Ngũ kinhTứ thư là sách chính dùng cho khoa cử và sĩ tử phải theo đúng lời chú thích của Chu Hi. Có lẽ sự kiệnấy góp phần củng cố ảnh hưởng của Tống nho, khiến cho Tống nho được xem là đại biểu độc nhất của Nho giáo, một vai trò chưa hẳn đã nằm trong ý nguyện của những người khai sáng và tập đại thành nó.


Tình trạng độc tôn của Tống nho tiếp tục kéo dài tình trạng từ chương và suy đồi do khoa cử mang lại, kéo dài qua các đời Nguyên Minh Thanh cho tới ngày Trung Hoa hủy bỏ chế độ khoa cử năm 1905. Trần Trọng Kim tổng luận về Nguyên nho như sau: “Nho giáo trong đời nhà Nguyên tuy so với các đời trước thì không bằng, nhưng cũng có cái vẻ thịnh đạt. Những học giả như Triệu Phục, Hứa Hành và Hứa Khiêm đều là người có đức hạnh rất xứng đáng, đủ làm tiêu biểu cho nhân vật trong một thời. Song cái học của Nguyên nho chỉ bó buộc trong phạm vi Trình Chu mà thôi, vì rằng ai cũng cho Nho học đến đó là cùng cực rồi. Kết quả thành ra là ngoài sự học để giữ lấy cái danh tiết cho trong sạch, thì không ai phát triển ra được điều gì cao minh hơn nữa”.

4. Minh Nho

Học phong hủ bại 


Tống nho về sau triển khai thành nhiều học phái khác nhau, mỗi nhà nhấn mạnh một điểm riêng nhưng rồi tất cả vẫn gặp gỡ nhau ở một điểm chung, như đã nói trên, là do bởi quá thịnh vượng trong khoa cử nên bị xem là đại diện độc quyền cho Nho giáo khiến tư tưởng bị khai thác một cách từ chương tới khô kiệt. Vì thế, nói như Huỳnh Thúc Kháng trong Khổng học đăng: nó đưa tới học phong hủ bại.


Sang tới thời nhà Minh (1368-1643), may mắn thay, Nho giáo lại sinh động bằng một chuyển biến tư tưởng mới, với một triết gia ta không thể không đề cập, đó là Vương Thủ Nhân (1472-1528).


Trong Khổng học đăng, quyển Hai, trang 727, Phan Bội Châu viết về bối cảnh, con người và thành tựucủa họ Vương như sau:


“Khổng-học-phái đời Minh, từ lúc có pho ‘Ngũ-kinh Tứ-thư đại tuyền’ ra đời, dùng bản sách này thi tấn sĩ. Học giả trong thiên hạ chuyên đem ‘Trình, Chu tập chú’ làm mồi cân đai. Ngoài ‘Trình, Chu tập chú’ họ chẳng biết một tý gì. Nhưng mà họ há phải say ở Trình, Chu đâu! Chỉ bốn chữ ‘thăng quan phát tài’ là mục đích của họ. Khổng học thời bây giờ thành ra một đám đồng cỏ rậm. Ở trong đám đồng hoang cỏ rậm ấy mà mở ra một đường lối quang minh, gieo vào một hạt mộng tân tiến tốt đẹp, khiến cho Khổng học lại rực rỡ tinh thần, thiệt phải qui công cho người khẩn hoang và gieo mộng. 


“Người ấy là ai?

“Tức là thầy Vương Dương Minh. Thầy chẳng những học lý đã tinh, mà võ công cũng trội. Kể học thuyếtthời tri hành nhất trí. Kể sự nghiệp thời văn võ song tuyền. Thiệt là một con người đích phái thừa tự ở trong Khổng học”.

Đôi nét về người và tính

Vương Thủ Nhân tự là Bá An, người Dư Diêu (nay thuộc tỉnh Triết Giang), vì làm nhà ở Dương-minh động, cách Hàng Châu 20 dặm nên các học giả thời đó gọi ông là Dương Minh tiên sinh. Thuở nhỏ, ông say mê tập võ, và lập chí học văn để làm thánh hiền. Trước hôm sắp cưới vợ, mải nghe đạo sĩ nói về thuyết trường sinh, ông quên lễ cưới. Vương Dương Minh thi đỗ Tiến sĩ năm 27 tuổi. Sau đó khi làm đại tướng dẹp loạn, khi làm thượng thư bộ Binh, trong vai trò nào ông cũng biểu lộ đủ tài đức.


Lúc còn trẻ, Vương Dương Minh nhiệt thành theo học phái Trình Chu. Ông từng đem lời dạy của Chu Hira ứng dụng, ngồi quan sát cái Lý của cây tre suốt bảy ngày bảy đêm mà chẳng chứng nghiệm được gì. Vì dâng sớ xin tha cho gián quan, ông bị đày cho chết bằng cách bắt ra coi trạm Long Trường (Quí châu), nơi sơn lam chướng khí rất độc, dân toàn mường mán không biết tiếng Tàu. Nhờ tâm chí quyết sống bên bờ tử sinh mà ông đại ngộ, rồi được tái trọng dụng để dẹp loạn.


Gần 60 năm sau khi họ Vương mất, học thuyết của ông mới được công nhận là chính thống. Năm 1584, vua Thần Tông đem ông vào tòng tự ở miếu thờ Khổng Tử, tôn là tiên nho Vương tử. Các đệ tử của ông ghi chép lại tư tưởng của thầy thành Vương Văn Thành Công toàn thư, trong đó tác phẩm quan trọng nhất về triết học là Truyền tập lục, Đại học vấn.

Tâm học Vương Dương Minh

Điểm xuất phát của học thuyết Vương Dương Minh là hình nhi thượng của Nho giáo, nơi cái đạo của Khổng Tử và Mạnh Tử cùng là một với cái đạo của Lão Tử, đều lấy lý Thái cực làm gốc của vũ trụ, nhưng vì thực hành khác nhau nên có điều đồng dị.


Ông quan niệm rằng vũ trụ vận hành không ngừng nghỉ nhưng trong đó, vì có cái chủ tể nên nó mới ung dung tự tại và có trật tự. Lý là chủ tể ấy và Khí là sinh hóa. Vũ trụ là một toàn thể tâm linh, trong đó chỉ có một thế giới thực tại hữu hình mà chúng ta có thể chứng nghiệm. Bởi vậy, không có chỗ cho cái “Lý” trừu tượng Chu Hi thường nhấn mạnh. Do đó, đạo là cái cao siêu, không thể thấy bằng mắt, nghe bằng tai, chỉ có thể biết thông suốt bằng linh giác. Phải lý hội bằng cảm nhận rồi để tâm bỏ sức suy ngẫm mới có thể sở đắc.

Tu, học để cầu tâm

Vương Dương Minh khẳng định rằng ngoài tâm không có lý nào khác, ngoài tâm không có vật nào khác; tâm với tính là một. Tâm sáng tỏ tức là lý của ta, muốn biết rõ tâm thì phải bỏ nhiều công sức để hiểu rõcái tính. Dựa trên cơ sở “Trí tri: hiểu cho thấu đáo” của Khổng Tử và “Lương tri, Lương năng: khả năng bẩm sinh biết đúng và làm đúng” của Mạnh Tử, Vương Dương Minh dùng thuyết Trí lương tri làm phương cách hiểu rõ Tính, cái ông cho là bản tính tự nhiên và đồng nghĩa với thiên mệnh: thiên mệnhchi vị tính.


Trí là minh giác của tâm, lương tri lương năng là bản thể của tri hành. Ông cho rằng tâm của con ngườivà của thánh nhân chẳng khác gì nhau, và học là chỉ để cầu cho được cái tâm, “cũng như trồng cây vậy, tâm là rễ, học là vun đắp tưới bón, tỉa cành cắt lá, không gì là không vì cái rễ”.


Tự tu dưỡng là tâm điểm của Nho giáo để làm người quân tử, nhưng riêng với Vương Dương Minh, tu dưỡng là nhằm tìm lại cái tâm, để đạt cảnh giới “vạn vật nhất thể”, do đó, chữ Lương tri của ông bao hàm ý nghĩa tri hành hợp nhất.

Tri hành hợp nhất

Bản thể tự nhiên của tâm thì không thiện không ác, căn nguyên của thiện và ác chính là cái động của ý thức. Vì thế, muốn khôi phục bản thể của tâm, phải cách vật trí tri. Tri hành phải hợp nhất vì nếu quá thiên về công phu thực dụng thì bỏ mất bản thể của lương tri, còn nếu quá thiên về bản thể của lương trithì bỏ mất công phu thực dụng.


Tác phong tra vấn tới cùng, quan điểm tâm là mọi sự và tri hành hợp nhất của Vương Dương Minh khiến ông có một vị trí tách biệt với các Nho gia cùng thời, vì kể từ Chu Hi, người ta xem việc sở đắc tri thức trong kinh điển như một chuẩn mực cho người thi đỗ, ra làm quan. Sau một khoảng thời gian chói lọi, học thuyết tuy cao vời mà thực tế của Vương Dương Minh lại bị cái học của Trình Chu lấn áp. Mãi tới cuối thời Minh, nó mới có ảnh hưởng sâu rộng trở lại, lan xa tới Nhật Bản.

5. Tạm kết luận

Trước khi quay trở lại một số chủ đề chính trong học thuyết Nho giáo, ta thử tóm kết về nội dung bị ảnh hưởng cùng tác động của Tân Nho giáo lên tư tưởng Trung Hoa như sau:

1. Tân Nho giáo nói tới việc càng ngày càng hội nhập một cách hòa hợp với toàn thể vũ trụ;

2. Một số thành phần của Tân Nho giáo, thí dụ khái niệm về Khí có vẻ âm hưởng câu nói của Trang Tử: “Suốt thiên hạ là một Khí vậy’”;

3. Một số thành phần của Tân Nho giáo, thí dụ khái niệm Âm Dương, nghe như thể mang bản sắc ÂmDương gia;

4. Một số thành phần của Tân Nho giáo, thí dụ thẩm tra các điều kiện, truy tầm tâm tính, nghe như thể mang bản sắc Phật giáo Đại thừa;

5. Các thành phần ấy hòa nhập thành một nền triết học tổng thể và đơn nhất, tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong tư tưởng và văn hóa Trung Hoa.

6. Tuy thế, do bởi ảnh hưởng của khoa cử, Tống nho vẫn chiếm giữ vai trò độc tôn cho tới đầu thế kỷ 20.

Hết phần 2. Còn phần 3.